TTO – Hàng loạt website vi phạm bản quyền phát sóng trực tiếp các trận bóng đá trên không gian mạng Việt Nam..
Đêm 20-11, World Cup 2022 vừa khai mạc, nhiều trang mạng không hề có bản quyền vẫn ngang nhiên truyền hình trực tiếp trận khai mạc, thu hút đông đảo người xem hòng kiếm lợi từ quảng cáo.
Dễ như xem “chùa”
Chỉ cần vào công cụ tìm kiếm gõ từ khóa “trực tiếp bóng đá”, hàng chục triệu kết quả với hàng nghìn địa chỉ website sẽ hiện ra. Trong đó, những địa chỉ như: socoliv…, xoila…, 90phu… được cộng đồng mạng xem là những “điểm đến” nổi tiếng.
Chẳng hạn tại website xoila…, người dùng có thể xem trực tiếp các trận bóng đá không chỉ toàn bộ các giải đấu lớn như Ngoại hạng Anh, Champions League, La Liga, Serie A, World Cup, Euro, Copa America… mà còn cả các giải bóng đá trong nước và khu vực. Không chỉ bóng đá nam, có cả link xem bóng đá nữ hay các môn thể thao khác như quần vợt, bóng bàn…
Ngoài xoila…, hệ thống này còn có nhiều địa chỉ tên miền khác phòng khi bị chặn. Hệ thống này còn tự tin cho biết đứng sau mình là “những chuyên gia bóng đá hàng đầu tại Việt Nam cũng như các kỹ thuật viên công nghệ thông tin chuyên nghiệp”.
Socoliv… cũng là một trang web mới phát triển tại Việt Nam từ cuối năm 2021 nhưng hiện đang thu hút rất nhiều người đam mê bóng đá.
Trang web này giới thiệu “đã thương lượng và thành công mua hai trang bình luận bóng đá lớn nhất nhì tại Việt Nam, đó là 90phu…net, xoila…com” vào tháng 1-2022. Socoliv… còn tổ chức độc quyền các giải đấu bóng đá phủi ở khu vực miền Trung và miền Nam, tài trợ luôn các phần thưởng cho các đội bóng tham gia (!?).
Bên cạnh địa chỉ web, Socoliv… còn có cả ứng dụng trên điện thoại di động cho người dùng dễ dàng xem “chùa”.
Tương tự, website chiếu phim lậu cũng tràn ngập. Những địa chỉ đang thu hút nhiều người dùng truy cập như: phimmoichil…, motphi…, fulphi… Các trang này đều cho phép người dùng tha hồ tìm kiếm và xem từ những tập phim lẻ, phim bộ đến những phim bom tấn đang chiếu rạp.
Doanh nghiệp có bản quyền mất tiền tỉ
Thực trạng trên khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực “khóc đứng, khóc ngồi” khi có doanh nghiệp đã bỏ ra hàng triệu USD để mua bản quyền phát sóng các trận bóng đá hay phim ảnh tại Việt Nam.
Bà Tô Nam Phương, phó tổng giám đốc dịch vụ truyền hình FPT Play, nhấn mạnh các trang web, ứng dụng phát sóng lậu ngày càng tinh vi, ảnh hưởng trực tiếp đến những đơn vị vẫn luôn đầu tư các nội dung bản quyền.
“Việc các website, ứng dụng phát sóng lậu các nội dung do FPT Play sở hữu bản quyền đã khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thiệt hại khi công ty đã phải đầu tư rất lớn ban đầu”, bà Phương nói.
Ông Huỳnh Long Thủy, tổng giám đốc Công ty cổ phần VieON, bức xúc: “Không chỉ các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ lẻ mà chúng tôi còn ghi nhận các công ty, tập đoàn lớn, kể cả một “kỳ lân công nghệ” của Việt Nam vi phạm bản quyền hàng loạt nội dung, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng cho DatVietVAC – đơn vị sở hữu bản quyền”.
Theo ông Thủy, vi phạm bản quyền tràn lan ở Việt Nam đang từng ngày từng giờ bào mòn nguồn lực của các nhà sản xuất nội dung trong nước – những người bỏ ra rất nhiều tiền để mua bản quyền nội dung quốc tế cũng như sản xuất phim và chương trình giải trí độc quyền.
Cẩn trọng nhiều hệ lụy
Theo khảo sát vi phạm bản quyền của Liên minh chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á, tỉ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền ở Việt Nam chiếm tới 61%.
Với người dùng, để được hưởng lợi trước mắt là xem “chùa”, họ sẽ phải đối mặt với các quảng cáo dày đặc, đa số là quảng cáo cờ bạc, thậm chí cả sex. Đây cũng chính là đầu mối dụ dỗ, dẫn dắt nhiều người dùng tham gia các đường dây cá độ bóng đá, cờ bạc qua mạng, thậm chí tham gia các đường dây lừa đảo.
Nhiều người tò mò làm theo quảng cáo đã trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, smartphone bị nhiễm phải mã độc đánh cắp các thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin hình ảnh cá nhân, video riêng tư… Sau đó bị lén theo dõi hoặc bị tung các thông tin đời tư lên mạng với mục đích bôi xấu, xúc phạm danh dự…
Trong tương lai gần, theo bà Phương, các doanh nghiệp như FPT Play sẽ phải đối mặt với việc vi phạm nghĩa vụ bảo vệ bản quyền và khó khăn hơn trong việc đàm phán với các đối tác trong các năm tiếp theo.
Từ đó, chính khán giả sẽ là người bị ảnh hưởng trực tiếp vì mất cơ hội được xem các nội dung thể thao, phim ảnh một cách chính thống và chất lượng tốt nhất.
Thói quen xem “chùa” cũng sẽ dần khiến người dùng xem nhẹ các vấn đề bản quyền, có thể trở thành “phát súng ngược” tác động lại chính họ khi tham gia vào nền kinh tế số ngày càng phổ biến.
Nguồn tin: Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/ngang-nhien-vi-pham-ban-quyen-bong-da-20221121075830539.htm)